YouTubeFacebookGoogle +Twitter
Go on Top

Nữ tướng KiotViet muốn đem phần mềm bán hàng phủ khắp Việt Nam với phí bằng ly trà đá

Nữ tướng KiotViet muốn đem phần mềm bán hàng phủ khắp Việt Nam với phí bằng ly trà đá
Giữa lúc hầu hết các hãng công nghệ nhằm vào cung cấp phần mềm quản lý bán hàng cho các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn thì KiotViet lại đi vào các cửa hàng nhỏ, thậm chí siêu nhỏ với mức phí sử dụng mỗi ngày chỉ tương đương một ly trà đá 3000 đồng…
 

Bà Vũ Nguyễn Thuỳ Vân. Ảnh: Việt Hải.

Bà Vũ Nguyễn Thuỳ Vân. Ảnh: Việt Hải.

Từng phải “phá đi xây lại”

Tại thị trường Việt Nam, phần mềm quản lý bán hàng KiotViet đang được biết đến là giải pháp do Công ty Cổ phần Phần mềm Citigo phát triển dành cho các cửa hàng bán lẻ (thuộc hầu hết các ngành hàng) giải quyết khó khăn trong quá trình quản lý bán hàng.

Nói đến lý do tham gia vào thị trường phần mềm này, trao đổi với ICTnews, bà Vũ Nguyễn Thuỳ Vân, phụ trách Marketing của KiotViet cho hay: Tại thời điểm năm 2013, phần mềm quản lý bán hàng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ rất ít, thậm chí gần như không có, các hãng khác phần lớn chỉ nhắm đến đối tượng chuỗi cửa hàng, doanh nghiệp lớn với chi phí cao. Một hộ kinh doanh với 1 - 2 cửa hàng trên các con phố rất khó tìm được một phần mềm quản lý thay thế cho bảng tính Excel, sổ sách truyền thống. Ngay bản thân các lãnh đạo của Citigo cũng có người nhà mở cửa hàng bán lẻ, tuy quy mô nhỏ nhưng làm việc rất vất vả, phải đánh vật với sổ sách thống kê cuối ngày.

Bằng kinh nghiệm sau nhiều năm “chinh chiến” trong lĩnh vực phát triển phần mềm cho các khách hàng tại thị trường Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Singapore…, KiotViet đã nhìn thấy cơ hội tại mảng thị trường còn bỏ ngỏ đó.

Năm 2013, KiotViet ra mắt thị trường phiên bản đầu tiên.

Chúng tôi có thế mạnh về CNTT, có cơ sở để xây dựng sản phẩm nhưng phải thừa nhận rằng kinh nghiệm về thị trường bán lẻ còn nhiều hạn chế. Phiên bản đầu tiên được học hỏi từ nước ngoài, sau khi ra mắt chưa lâu đã phải bỏ đi làm lại do chưa sát với nhu cầu người dùng trong nước. Kể từ phiên bản 2, đây là phiên bản hoàn toàn do đội ngũ hơn 20 lập trình viên của Citigo phát triển. Chúng tôi đã làm việc với nhiều chuyên gia về bán lẻ, thị trường, làm việc trực tiếp với các chủ cửa hàng để xem họ cần gì, không hài lòng ở điểm nào”, bà Vân kể về khó khăn ban đầu khi phát triển KiotViet."

Cũng theo đại diện KiotViet, do tiếp cận với đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ nên việc tiếp cận các chủ cửa hàng không hề đơn giản.

Lựa chọn phân khúc khách hàng này, đối tượng của KiotViet phần nhiều là các bà, các cô ít có kiến thức về CNTT, lâu nay vốn chỉ dùng sổ sách, rất ngại thay đổi những gì đã là thói quen. Đứng trước thực tế đó, đội ngũ kinh doanh của KiotViet không còn cách nào khác là phải thực sự kiên trì, thao tác mẫu trên phần mềm để họ hiểu việc sử dụng dễ dàng, sẽ giúp quản lý tốt hơn ra sao…"

Sử dụng KiotViet, các chủ cửa hàng nắm được xu hướng tiêu dùng, tình trạng hàng hóa, lịch sử giao dịch, mặt hàng nào bán chạy, bán chậm, lỗ lãi ra sao… Thậm chí nắm được khách hàng chủ yếu đến từ đâu để xây dựng chương trình ưu đãi, tiếp thị. Do đó, nhiều khách hàng của KiotViet từ chỗ thờ ơ với phần mềm đã chuyển sang quan tâm sử dụng.

Bên cạnh đó, tất cả đều được hoàn thiện đến mức cao nhất, thuận tiện nhất: việc đăng ký sử dụng phần mềm chỉ mất khoảng 30 giây, khách hàng mất thêm khoảng 15 phút hiểu được tính năng cơ bản và có thể chỉ mất tất cả 1 tiếng đồng hồ là đã có thể sử dụng tương đối phần mềm.

Chúng tôi cũng cố gắng xây dựng được mức phí hợp lý. Gói dịch vụ hiện nay từ 90.000 – 190.000 đồng mỗi tháng - tức là mỗi ngày, chi phí để sử dụng chỉ từ tương đương ly trà đá 3000 đồng.

Ngoài ra chúng tôi cũng đang triển khai nhiều hoạt động như kết hợp với Intel, từ quý IV/2015 đến hết năm 2016 hỗ trợ tặng máy tính, máy đọc mã, tablet… cho khách hàng khu vực II.

Chưa dừng lại ở đó, để được lắng nghe khách hàng góp ý, chúng tôi sử dụng đầu số 18006162 để tiếp nhận các cuộc gọi góp ý, hoàn thiện phần mềm từ phía khách hàng. Khi gọi đến đầu số này khách hàng không mất phí, do đó trung bình mỗi tháng KiotViet chi trả tới 40 – 50 triệu đồng phí tổng đài”, bà Vân chia sẻ.


Giao diện phần mềm trên mobile. Ảnh: Việt Hải.

Giao diện phần mềm trên mobile. Ảnh: Việt Hải.

3 vấn đề quyết định thành bại khi làm phần mềm bán hàng

Đến thời điểm hiện nay, KiotViet đang có khoảng hơn 46.000 accounts đăng ký dùng thử. Trong đó lượng khách hàng trả phí có trên 6000 cửa hàng.

Từ cuối năm 2014 đến cuối 2015 đạt mức tăng trưởng đạt 450%. Số lượng đăng ký dùng thử mới mỗi ngày khoảng 200 accounts. Trong đó, lượng khách hàng đăng ký mới sử dụng sản phẩm được khách hàng cũ giới thiệu rất nhiều.

Khách hàng của Kiot Việt rất đa dạng, từ kinh doanh tạp hóa, thời trang, hiệu thuốc, cửa hàng xây dựng, cửa hàng bán xe… Hiện các cửa hàng có từ 30.000 – 50.000 đầu sản phẩm đều có thể sử dụng tốt với KiotViet. Trong trường hợp nếu khách hàng cần mở rộng tính năng hơn theo nhu cầu đặc thù, KiotViet cũng có thể đáp ứng linh hoạt.

Và cho đến thời điểm hiện nay, đặc biệt là trong năm 2015, KiotViet đã sát với thị trường hơn, đang dần khẳng định được chỗ đứng trước các đối thủ cạnh tranh.

Có 3 vấn đề được chúng tôi nhận định là những yếu tố quyết định đến sự thành bại của một phần mềm quản lý bán hàng đó là: Quan trọng nhất là phải dễ dùng, thứ hai là phải phù hợp với từng ngành hàng và thứ ba là chi phí phù hợp”, bà Vũ Nguyễn Thuỳ Vân chia sẻ.

Trao đổi thêm với ICTnews, bà Vân cho hay tín hiệu thị trường của KiotViet hiện khá tốt. Chỉ tính riêng 3 tháng cuối năm 2015, mức tăng trưởng đã bằng cả năm gộp lại. Hiện KiotViet đang hợp tác với Intel, Microsoft, Nestle… để phát triển phần mềm, đưa phần mềm đến rộng rãi hơn các hộ kinh doanh, các cửa hàng.

Hiện nay số lượng khách hàng gọi điện để… phàn nàn về phần mềm đã giảm đi rất nhiều so với trước, tuy nhiên KiotViet vẫn quyết định sử dụng đầu số 18006162 miễn phí để được lắng nghe góp ý từ khách hàng, để hiểu được mình cần phải đáp ứng những gì tốt nhất cho khách hàng.

Tập trung vào đối tượng khách hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tức là chúng tôi có sân chơi riêng. Vì thế trong câu chuyện phát triển, quan điểm của chúng tôi là không nhìn vào đối thủ mà luôn xem chính cách làm của mình. Đã làm là phải làm thật tốt. Nếu marketing tốt đến mấy mà chất lượng không tốt thì không khác nào tự mình giết chết sản phẩm”, bà Vân nói, đồng thời bày tỏ khát vọng của đội ngũ phát triển đó là sẽ đưa phần mềm này trở nên phổ biến nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực quản lý bán hàng. Giống như nói đến nước ngọt thì nghĩ đến Cocacola, hay dầu ăn sẽ nhắc tới Neptune vậy…

Với những tín hiệu phát triển đang đến, năm 2016, KiotViet đặt mục tiêu sẽ cán mốc 10.000 khách hàng trả phí với số cửa hàng tăng lên gấp đôi.
 

(Theo Genk.vn)